Thiền định có tác dụng điều chỉnh mọi hoạt
động của cơ thể, tạo lập sự cân bằng nội tại. Ngoài tác dụng thư giãn,
nó còn giúp phòng và chữa các bệnh do mất cân bằng chức năng cơ thể.
Theo định nghĩa thông thường, thiền định
là một kiểu thư giãn chủ động tích cực với hiệu quả cao nếu luyện tập
đúng cách. Theo định nghĩa khoa học, thiền định là quá trình đạt tới sự
tỉnh thức tuyệt đối trong trạng thái tĩnh, có được do luyện tập. Đó là
trạng thái tập trung ức chế đồng đều cả nơron thần kinh cảm giác lẫn
nơron thần kinh vận động, tập trung bắt đầu từ vỏ não và hệ thần kinh
vận động.
Khác với thư giãn thông thường, thiền
định có tác dụng điều chỉnh lớn đến mọi hoạt động của cơ thể, tạo lập sự
cân bằng nội tại, cân bằng cơ thể với môi trường sống; kiểm soát quá
trình quan hệ giữa nội giới và ngoại giới. Vì thế, ngoài tác dụng thư
giãn, thiền định còn có tác dụng phòng và chữa các bệnh do mất cân bằng
các chức năng cơ thể mà chủ yếu là mất cân bằng giữa tuần hoàn máu và
tuần hoàn điện thần kinh.
Tác dụng thư giãn của thiền định có được
đem lại là do người tập điều khiển vỏ não, chủ động ức chế hệ thần kinh
động vật, từ đó dẫn đến ức chế hệ thần kinh thực vật mà trước tiên là
các trung khu hô hấp, làm giảm nhịp thở kèm theo buông lỏng cơ. Khi đã
ức chế sâu, thư giãn cơ sâu thì nhịp thở rất thấp, năng lượng tiêu hao
xuống tối thiểu, cơ thể rơi vào tình trạng đông miên, hô hấp trên từng
tế bào cơ thể đều giảm đến mức tối thiểu.
Ở những người có tập thiền (không kể các
nhà tu hành chân chính), nhu cầu vật chất không lớn, một mặt vì sau khi
tập, chuyển hóa cơ thể xuống thấp, tiêu hao năng lượng ít và hợp lý. Do
đó, người tập thiền không có nhu cầu lớn cho các sinh hoạt. Người tập
thiền tốt không cần ăn nhiều mặc dù khẩu vị của họ rất tốt, ăn rất ngon
miệng. Không lấy gì làm lạ, các nhà tu hành chân chính tập thiền đạt đến
mức tiêu hao năng lượng cơ thể xuống mức tối thiểu. Hằng ngày họ thường
chỉ ăn một bữa vào chính ngọ mà vẫn lao động sinh hoạt bình thường.
Người tập thiền tốt đương nhiên sẽ tạo
lập được trạng thái cân bằng của hệ thần kinh, điều hòa được các nhu cầu
sinh hoạt tinh thần, chủ động điều tiết được hệ thần kinh sinh dục,
luôn luôn cân bằng giữa ý thức và tâm thức. Có lẽ vì thế mà chúng ta
không thấy họ mắc các bệnh tâm sinh lý đặc biệt.
Khi ngồi thiền, các cơ quan trong cơ thể
tương tác cân bằng nhau ở mức chuyển hóa rất thấp. Theo định luật phản
hồi, nó tác động đến hệ thần kinh, đưa ra trạng thái tâm sinh lý của
người thiền. Đỉnh cao của trạng thái sinh lý này là thời gian ngồi “nhập
thiền”, tác dụng của nó không chỉ có trong lúc ngồi thiền mà còn kéo
dài trong suốt cả ngày. Ngoài thời gian ngồi thiền, người tập vẫn duy
trì trạng thái này bằng cách giữ sự cân bằng tương tác các cơ quan của
cơ thể, được thực hiện bằng những hoạt động nhẹ nhàng tập trung không
phân tâm trong suốt cả ngày.
Theo giáo sư Soto Yukimasa (Đại học
Kyoto, Nhật Bản), thiền giúp tăng cường tính nhẫn nại, làm cho ý chí bền
vững, tăng cường khả năng suy nghĩ, ổn định về tình cảm và mau chóng
khiến đầu óc tỉnh táo, bình tĩnh. Nó cũng giúp nâng cao hứng thú và hiệu
suất của hành động, hình thành nhân cách hoàn thiện hơn và đạt tới cảnh
giới giác ngộ. Bác sĩ Hasegawa (Đại học Osaka) cho rằng việc tọa thiền
sẽ phát triển sự tập trung của phần não bên trong, tức là phần dưới vỏ
não, và tập trung sự hoạt động của vỏ não.
Theo Viện đại học Cologne (Đức), thiện
định giúp người ta bớt nóng nảy, hung hăng, giảm bệnh về tinh thần và
ham muốn khống chế, cấm đoán, ngăn cản người khác, giảm tính bất định.
Nó làm tăng sức hòa hợp, thân thiện với người khác, biết kính nể người
và tự chê mình, tăng sự tự tin, thỏa mãn, khả năng chịu đựng trong tình
huống xấu, tăng tính quả quyết, tự tin...
Tóm lại, nghiên cứu của các tác giả gần
giống nhau về trạng thái hoạt động của hệ thần kinh người tập thiền. Đó
là trạng thái yên tĩnh, ổn định không xung đột của hệ thần kinh với biểu
hiện: nhẫn nại, bền bỉ, tự tin, bình tĩnh, ổn định nhân cách, hoàn
thiện tình cảm, đầu óc sảng khoái, thân thiện, hòa hợp với mọi người.
Trạng thái yên tĩnh ổn định, sự ứng xử hợp tình hợp lý với sự việc và
con người xung quanh chứng tỏ người tập thiền luôn vui vẻ về tâm hồn và
khỏe mạnh về thể chất.
Khi chủ động giảm được tiêu thụ năng
lượng, gốc tự do trong cơ thể cũng giảm theo; cơ thể cân bằng hoạt động
tương tác các cơ quan. Sự cân bằng ổn định của cơ thể sẽ tác động trở
lại não bộ theo định luật phản hồi, tạo trạng thái cân bằng ổn định cho
hoạt động của vỏ não, tăng sức bền, sức chịu đựng và khả năng điều hòa,
điều khiển cơ thể. Trạng thái thần kinh này giúp con người chống stress
rất tốt.
Sức khỏe thể lực tốt cùng với trạng thái
thần kinh ổn định sẽ làm cơ thể thích ứng tốt với môi trường sống và môi
trường nhân văn. Đó là nền tảng của cơ sở phòng bệnh. Nếu sự cân bằng
các cơ quan tương tác được duy trì, cơ thể sẽ không xảy ra những tai
biến bất thường. Ví dụ: Nếu tương tác giữa cơ quan tuần hoàn máu và tuần
hoàn điện thần kinh được ổn định thì thường không xảy ra các tai biến
về não.
GS Nguyễn Ngọc Kha, Sức Khỏe & Đời Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét