Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

VITAMIN VỚI SỨC KHỎE

alt
Vitamin là những chất hữu cơ có phân tử thấp, chúng tham gia vào các chức phận chuyển hóa cơ thể: tham gia vào các men của các tổ chức trong cơ thể, tổng hợp, sử dụng và chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở mức tế bào và phân tử
Cơ thể dường như không tổng hợp được các vitamin. Vitamin được cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ các thức ăn hàng ngày từ nguôn động vật: gan, cá, trứng, sữa... và từ nguồn thực vật như ngũ cốc, rau, trái... Một số các vitamin  thường hiện diện nhiều ở các màng của các hạt, vỏ của trái cây...
Tại ruột già, nhờ một số vi khuẩn đường ruột tổng hợp cho cơ thể một số  vitamin: B1, B12, B2, PP, K. Ánh sáng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.
Tuy mỗi ngày cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ vài microgam hay vài trăm miligam các vitamin nhưng không thể thiếu chúng. Do vậy Vitamin có vai trò quan trọng góp phần duy trì cuộc sống, giúp cơ thể khỏe mạnh. Việc ngăn ngừa thiếu hụt vitamin cũng như bổ sung vitamin  từ thực phẩm, thực phẩm có bổ sung vitamin hay vitamin tổng hợp là cần thiết và quan trọng khi cơ thể có các dấu hiệu cho thấy đang bị thiếu hụt vitamin.
Vitamin được chia làm 2 nhóm: nhóm các vitamin tan trong chất béo: A.D.E.K và nhóm các vitamin tan trong nước: vitamin C và các vitamin nhóm B
Cơ thể bị thiếu hụt vitamin thường do các nguyên nhân sau:
+ Hao hụt vitamin trong bảo quản và chế biến thực phẩm: thực phẩm lưu trữ lâu trong tủ lạnh. Sơ chế ngâm rửa hay nấu kéo dài thời gian, khi nấu mở nắp xoong Các vitamin C và vitamin tan trong chất béo bị oxy hóa dưới ánh sáng... Thức ăn chế biến công nghiệp, xay sát kỹ, thực phẩm dạng tinh chế...
+ Ăn không đủ nhu cầu, thực phẩm chưa đa dạng, phong phú, khẩu phần ăn chưa cân đối. Người bệnh, phụ nữ có thai nuôi con bú và người dư cân béo phì ăn kiêng khem quá kỹ...
+ Nhu cầu tăng vitamin do: phát triển, sinh lý phụ nữ thai nghén và sinh nở,...
+ Bị các bệnh rối lọan chuyển hóa: thận, tiểu đường..., các bệnh về đường tiêu hóa, các thuốc trị bệnh: ung thư, chất phóng xạ,... trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, trẻ sinh non...dẫn đến rối lọan tiếu hóa, hội chứng kém hấp thu...ảnh hưởng đến hấp thu các vitamin và dưỡng chất khác...
+ Cơ thể ít vận động, môi trường thiếu ánh sáng, ít tiếp xúc với ánh sáng.V.v...
Hậu quả của tình trạng thiếu hụt vitamin: mệt mỏi, biếng ăn, kém ngủ, trí tuệ giảm sút, chậm lớn, cơ thể hay bị bệnh do giảm sức đề kháng với bệnh tật, ...
Giải pháp phòng ngừa thiếu hụt vitamin:
+ Thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú nhằm cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và ngừa suy dinh dưỡng bào thai, sanh non..
+ Bổ sung thêm vitamin tổng hợp cho các nhu cầu đặc biệt, tình trạng bệnh lý...
+ Chăm sóc sức khỏe tốt giúp giảm thiểu bệnh tật. Bé cần được phơi nắng sớm mỗi ngày từ 10 - 20 - 30 phút hay thể dục từ 30 - 60 phút tùy theo tuổi, sức khỏe
+ Thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng hợp lý theo tuổi. Mỗi ngày, bé cần được ăn đủ nhu cầu, uống đủ sữa tùy theo tuổi, sữa có bổ sung các vitamin... giúp bé tăng sức đề kháng ngừa bệnh tật
+ Theo dõi sức khỏe thường xuyên mỗi tháng cho trẻ dưới 2 tuổi và mỗi 3 tháng cho trẻ trên 2 tuổi. Thực hiện chấm biểu đồ tăng trưởng cân nặng và chiều cao cho trẻ nhỏ mỗi tháng. Cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi đi uống vitamin A mỗi 6 tháng.
Vai trò của Vitamin đối với cơ thể
Nhu cầu hàng ngày về vitamin cho cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi. Tuy nhiên, vitamin lại có vai trò rất quan trọng, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa và nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, cụ thể:
- Điều hòa sự tăng trưởng: Vitamin A, E, C.
- Phát triển tế bào biểu mô: Vitamin A, D, C, B2, PP.
- Tăng cường miễn dịch: Vitamin A, C.
- Tác động đến hệ thần kinh: Vitamin B1, B2, PP, B12, E.
- Nuôi dưỡng mắt: Vitamin A.
- Bảo vệ tế bào và chống lão hóa: Vitamin A, E, C.
- Điều chỉnh quá trình đông máu: Vitamin K.
Các thức ăn có chứa Vitamin
Vitamin có mặt trong các loại thực phẩm thông dụng. Vì vậy, trong chế độ ăn hàng ngày, nếu biết phối hợp các loại thức ăn và thường xuyên đổi món, đủ lượng đủ chất, bạn sẽ không phải sợ thiếu các loại vitamin cần thiết.
- Vitamin A: Có trong trứng, sữa, tôm, cá, gan các loài động vật. Các loại rau quả có màu đậm (như rau ngót, rau muống, rau dền, rau đay, rau khoai loang, cần ta, gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, củ khoai lang nghệ...) có nhiều caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A.
- Vitamin B1: Có nhiều trong ngũ cốc và các loại đậu (hạt) như gạo, bột mì, bột đậu xanh...
- Vitamin B2: Hạt ngũ cốc toàn phần, thức ăn có nguồn gốc động vật.
- Vitamin B6: có nhiều trong gan bê, ruốc thịt, thịt gà, ngô...
- Vitamin B9 (hay còn gọi là axit  folic) có nhiều trong măng tây, rau xanh, gan, thịt gà, trứng.
- Vitamin PP: Lạc, vừng, đậu các loại, rau ngót, giá đậu xanh, cải xanh, rau dền đỏ, rau bí, thịt, cá, tôm, cua, ếch.
- Vitamin B12: Pho mát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng...
- Vitamin C:  Rau xanh (rau muống, rau ngót, bắp cải, cải xoong), quả chín (cam, chanh, bưởi, xoài, ổi...), khoai tây, khoai lang, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, ...
- Vitamin D: Dầu gan cá, cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt lợn, chất béo của sữa.
Vitamin E: Các loại dầu (dầu hướng dương, dầu lạc, dầu cọ...), rau dền, giá đậu, quả mơ, quả đào, gạo, ngô, lúa mì.
Vitamin đa dạng trong các loại thực phẩm
Bạn cần loại vitamin nào?
Trẻ nhỏ cần ăn thêm những thực phẩm giàu vitamin A, C. Phụ nữ mang thai, cần bổ sung vitamin B9 (axid folic). Các bà mẹ đang nuôi con bú cần nhiều vitamin A, E, C.
Trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được cung cấp thêm vitamin A và acid folic. Với người bệnh tăng huyết áp, cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, A, E. Bệnh nhân tiểu đường nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, nhất là nhóm B. Còn người bệnh lao cần bổ sung vitamin D, B6.
Nếu bữa ăn có nhiều chất béo, bạn cần ăn thêm những thực phẩm có nhiều vitamin E.
Nếu bữa ăn có nhiều chất đạm (như khi cho trẻ suy dinh dưỡng ăn sữa gầy - loại sữa có nhiều protein), cần ăn thêm những thực phẩm giàu vitamin A.
Cách bổ sung vitamin tốt nhất là ăn thêm các thực phẩm giàu loại vitamin mà cơ thể đang thiếu. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt như khi có thai, bệnh tật... mới cần dùng thuốc có vitamin; và chỉ nên dùng khi có chỉ định của thầy thuốc, nhất là với các loại vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D (vì việc dùng liều cao có thể gây ngộ độc).
Phát huy tốt tác dụng của vitamin từ thực phẩm
Một số loại vitamin như A, D, K, E chỉ tan trong chất dầu do vậy khi nấu thực phẩm có chứa những loại vitamin này ta cần cho vào ít dầu mỡ thì cơ thể mới hấp thụ được.
Vitamin thường rất dễ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao. Do vậy khi nấu thức ăn ta cũng không nên nấu quá nhừ, quá lâu vitamin sẽ bay đi hết. Vitamin C vốn nhạy cảm với sức nóng, sẽ chỉ mất đi một lượng tối thiểu khi bạn nấu nhanh.
Các loại rau quả (dưa chuột, bí ngô, khoai tây hay cà chua) mất đi các giá trị dinh dưỡng khi được giữ lạnh và chịu đựng tủ lạnh rất kém. Tốt hơn cả là nấu chín trước khi để vào tủ lạnh (khoai tây nghiền, sốt cà chua...)
Không nên ngâm rau quả lâu trong chậu nước mà nên rửa dưới vòi nước chảy để tránh được việc các vitamin B, C và một số khoáng chất tan biến vào trong nước.
Thành phần vitamin chủ yếu nằm trong vỏ và phần ngay dưới vỏ quả. Để tiết kiệm, hãy gọt vỏ mỏng nhất có thể hoặc ăn cả vỏ nếu quả đã được rửa sạch.
Nguồn: Suckhoevadoisong.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét