Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN - 3

CHƯƠNG 2: TÂM TRÍ BÌNH AN SẼ TẠO NÊN NGHỊ LỰC

altTrong bữa ăn sáng tại một khách sạn kia, có một ông phàn nàn về việc suốt đêm qua ông không ngủ được. Ông trằn trọc suốt đêm, lăn qua lăn lại cho dù ông cảm thấy rất mệt trước khi đi ngủ. Ông nhận định: “Có lẽ tôi nên thôi không nghe giờ tin tức trước khi đi ngủ, vì tối qua tôi mải mê nghe giờ tin tức và toàn là những tin tức lộn xộn không thôi à”.
Một ông khác nói: “Còn tôi thì ngủ được một đêm thật ngon. Dĩ nhiên tôi phải dùng kế hoạch đi ngủ của tôi, và bao giờ tôi cũng ngủ được ngon lành”.
Tôi dò hỏi xin ông cho biết kế hoạch đi ngủ của ông, và ông giải thích như thế này:
Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi làm nông trại, và Ba tôi có thói quen tụ họp gia đình trong phòng họp sinh hoạt chung gia đình rồi đọc Sách Thánh và cầu nguyện cho chúng tôi trước khi đi ngủ. Sau khi nghe đọc Sách Thánh và cầu nguyện xong rồi, tôi chỉ việc lên giường và ngủ thẳng cẳng. Nhưng khi sống xa gia đình, tôi cũng bắt đầu sống xa việc đọc Sách Thánh và cầu nguyện.
Nhiều năm trôi qua và tôi nhớ lại rằng tôi chỉ cầu nguyện khi nào bị két chuyện gì thôi. Cách đây ít tháng, vợ chồng tôi có một vài chuyện trắc trở khó khăn, thế là chúng tôi quyết định thử lại xem sao. Chúng tôi nhận thấy làm như vậy rất hữu ích, nên kể từ đó mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng tôi cùng đọc Sách Thánh và cùng cầu nguyện. Tôi không biết rõ lý do tại sao, nhưng có một điều chắc chắn là tôi ngủ ngon hơn và mọi việc cũng tốt đẹp hơn. Hơn thế nữa, kể cả khi đi đây đó, tôi cũng vẫn dành thời giờ để đọc Sách Thánh và cầu nguyện. Tối hôm qua, tôi đã đọc lớn tiếng ca vịnh (thi thiên) 23 (Chúa là mục tử).
Sau đó ông quay về phía người kia và nói: “Tôi không để tai tôi nghe đầy những tin tức lộn xộn trước khi đi ngủ, nhưng tôi đi ngủ với một tâm hồn thật bình thản”.
Chính đó là sự lựa chọn: “Tai đầy những tin tức lộn xộn”, hoặc “tâm hồn thật bình thản”. Bạn muốn lựa chọn đằng nào?
Điểm chính yếu của bí quyết đó hệ tại chỗ thay đổi thái độ và tinh thần trong tâm trí. Ta phải học biết cách thức để sống theo một hệ thống tư tưởng khác hẳn, và cho dù thay đổi hệ thống suy tư như vậy sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng dù có khó khăn mấy đi chăng nữa cũng vẫn còn dễ dàng hơn nếp sống bạn đang có. Sống lúc nào cũng căng thẳng thật là khó khăn! Sống với bình an nội tâm, sống hoà đồng không bị áp lực nào đè nén là nếp sống dễ dàng thoải mái hơn nhiều. Việc bạn phải phấn đấu cam go nhất để có được sự bình an trong tâm hồn chính là cố gắng điều chỉnh lối suy tư của bạn, để bạn có được thái độ an hoà chấp nhận ân phúc và bình an của Chúa.
Một bác sĩ y khoa đã nhận xét như sau:
altĐa số các bệnh nhân của tôi chẳng có đau bệnh tật gì cả ngoại trừ bệnh tưởng tượng. Chính  vì thế tôi thường viết cho họ liều (toa) thuốc thật ưng ý nhất như sau. Đây là một câu trích dẫn từ Sách Thánh, từ thư gửi Rôma 12: 2. Tôi không viết câu Sách Thánh đó ra cho mỗi bệnh nhận, nhưng muốn chính mỗi người phải tìm ra câu đó mà đọc trong Sách Thánh. Câu đó như sau:
“Hãy cải hoá qua việc canh tân tâm hồn”.
Những ai muốn sống hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn, nhất quyết phải canh tân tâm hồn, có nghĩa là phải thay đổi tư tưởng. Khi chấp nhận liều thuốc này, họ đã được tâm trí bình an thật sự rồi. Nhờ đó mà họ được sức khoẻ dồi dào hơn, mọi sự tốt đẹp hơn.
Phương pháp căn bản nhất để có được tâm hồn bình an: đó là phải thực tập làm cho tâm trí thật trống rỗng. Mỗi ngày hai lần bạn hãy làm cho tâm trí thật trống rỗng không còn sợ hãi, ghen ghét, bất an, tiếc nuối, mặc cảm tội lỗi gì nữa. Để tránh các tư tưởng bất hạnh tìm cách lẻn vào tâm trí, bạn hãy lập tức tìm cách làm đầy tâm trí với các tư tưởng sáng tạo và lành mạnh. Trong ngày, thỉnh thoảng thực tập suy nghĩ tới một loạt những tư tưởng bình an.
Bạn hãy tưởng tượng trong tâm trí hình ảnh một quang cảnh bình an nhất mà bạn đã có dịp chứng kiến, chẳng hạn như ánh trăng vàng trên mặt hồ gợn sóng, sóng biển vỗ nhẹ vào bờ cát dài. Những hình ảnh bình an đó sẽ có tác động vào tâm trí như một liều thuốc thật công hiệu.
Xin bạn hãy nói nhè nhẹ những lời nói bình an đủ để bạn nghe được. Lời nói có sức lôi cuốn hấp dẫn sâu xa, và nói ra được những lời đó sẽ có sức chữa lành. Bạn hãy dùng những chữ như “thanh bình”: vừa nói vừa hình dung ra cảnh thanh bình. Lặp đi lặp lại một cách chậm rãi theo như tâm tình mà lời nói đó gợi lên.
Những vần thơ, những đoạn trích trong Sách Thánh cũng đều hữu ích. Tôi quen biết một người có thái độ bình thản: ông có thói quen viết trên danh thiệp những danh ngôn tư tưởng đem lại bình an. Lúc nào ông cũng để vào túi (bóp) một tấm danh thiệp và lặp đi lặp lại danh ngôn tư tưởng đó cho đến khi nào thuộc lòng được mới thôi. Ông cho biết rằng làm như thế cũng giống như là “vô dầu mỡ” bình an vào tâm trí vậy. Một trong các danh ngôn ông thường dùng là tư tưởng của một huyền sĩ thế kỷ 16:
Đừng bối rối chi! Đừng sợ hãi gì! Mọi sự sẽ qua đi ngoại trừ Thượng đế. Chỉ mình Ngài là đủ rồi!”.
Có những cách thực tế khác để tạo nên thái độ an hoà và bình thản. Một trong những cách đó là qua cách bạn nói chuyện. Nếu trong nhóm bạn đang nói chuyện mà có khuynh hướng làm mất an vui, bạn hãy thử gieo tư tưởng bình an vào câu chuyện. Muốn tâm hồn được bình an, bạn hãy nói những lời vui tươi, hạnh phúc, lạc quan, thoải mái, tích cực trong câu chuyện riêng tư cũng như công cộng.
Một kỹ thuật hiệu nghiệm khác nữa để tạo nên tâm trí bình an: đó là mỗi ngày thực tập yên lặng. Mỗi ngày hãy quyết tâm để dành ít nhất là 15 phút hoàn toàn thinh lặng. Bạn hãy đi tới một nơi nào thật vắng vẻ, ngồi hoặc nằm xuống và giữ yên lặng hoàn toàn trong ít nhất là 15 phút. Đừng đọc sách hoặc viết lách gì cả. Cũng đừng suy nghĩ gì hết. Hãy để tâm trí ở vào tâm thức vô vi. Hãy tưởng tượng coi như tâm trí bạn là mặt nước hồ phẳng lặng, không một chút gợn sóng. Khi bạn đã đạt tới tâm trạng thanh thản đó rồi, hãy lắng nghe những âm thanh hoà hợp kỳ thú, những âm thanh Thượng đế dành cho bạn và bạn chỉ có thể nghe được trong thinh lặng.
Bạn hãy để cho tư tưởng của bạn tích luỹ chứa chất đầy những kinh nghiệm bình an, những lời nói an hoà, những tư tưởng thư thái ngõ hầu chung cuộc là bạn sẽ có một kho tàng đầy những kinh nghiệm kiến tạo bình an, để rồi khi nào cần, bạn cứ trở lại vào đó mà khai thác để canh tân bồi bổ tâm trí bạn. Chính đó là nguồn sinh lực vô biên vậy.
 Hết chương 2 xem tiếp Chương 3: Làm sao để có nghị lực bền bỉ 


Mục lục













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét