Chương 1: Tin Tưởng Nơi Chính Mình
Bạn hãy tự tin nơi chính mình! Hãy tin tưởng nơi các khả năng bạn có. Nếu như bạn không khiêm tốn và có lý do đủ để tin tưởng nơi các khả năng nghị lực của chính bạn, không bao giờ bạn có thể thành công hoặc được hạnh phúc. Với niềm tự tin chắc chắn, bạn sẽ có thể thành công.
Khi nào cảm thấy không đủ sức, không đủ khả năng, dĩ nhiên bạn sẽ bị ảnh hưởng chi phối và khó có thể đạt được các nguyện vọng của bạn; còn khi nào hoàn toàn tự tin, bạn sẽ được toại nguyện và thành đạt mỹ mãn.
Chính vì thái độ tâm trí này có ảnh hưởng rất quan trọng trên cuộc đời của bạn, nên chúng tôi cống hiến bạn cuốn sách này với mục đích giúp bạn tin tưởng nơi chính mình và tận dụng các khả năng nội tâm.
Có rất nhiều người đã sống khổ sở đáng thương chỉ vì một mặc cảm tự ti, nhưng tôi không muốn bạn cũng phải rơi vào tình trạng tội nghiệp đó. Bạn có thể phát triển niềm tin tưởng nơi chính mình.
Sau một đại hội kia, có người đến nói với tôi rằng “xin cho tôi được phép nói chuyện riêng với quý ông, vì đây là một vấn đề rất quan trọng đối với tôi”.
Chúng tôi đi vào phía sau hội trường rồi cùng ngồi xuống. Ông giải thích: “Tôi tới thành phố này để đối phó với một dịch vụ quan trọng nhất cuộc đời của tôi, nhưng tôi không tin rằng tôi có thể vượt qua được. Tôi gần như tuyệt vọng vậy.
Tôi không hiểu tại sao suốt đời lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi một mặc cảm tự ti hành hạ. Tối nay, tôi lắng nghe bài diễn thuyết của quý ông về đề tài ‘SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN’, và tôi muốn hỏi ông cho biết làm sao để tôi có thể có được một chút tin tưởng nơi chính mình.”
Tôi trả lời: “Cần phải có 2 bước. Bước 1: điều quan trọng nhất là phải khám phá ra cho biết tại sao ông có những tâm tình tự ti mặc cảm. Dĩ nhiên công việc này đòi hỏi phải có thời giờ để tìm hiểu và phân tích, cũng như cần phải chữa trị tuyệt căn. Tuy nhiên để giúp ông giải quyết vấn đề tức thời, tôi xin đưa ra một công thức. Tối nay trên đường về nhà, xin ông đọc đi nhẩm lại mấy lời tôi sắp đề nghị cho ông đọc sau đây.
Đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi có giờ hẹn gặp quan trọng. Cứ tin tưởng làm như vậy, chắc chắn ông sẽ có khả năng giải quyết vấn đề. Đây là những lời quyết tâm tôi muốn trao gửi cho ông: ‘Tôi có khả năng làm được mọi sự trong Đức Kitô là Đấng đã ban sức mạnh nghị lực cho tôi’ (Pl 4: 13). Bây giờ xin ông cứ nghe theo lời chỉ dẫn và mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp”.
Ông đứng dậy, đứng đó trầm lặng một lúc rồi phát biểu với một tâm tình đáng kể: “Vâng được rồi, được rồi!” Tôi nhìn ông vươn vai ra đi. Trông hình dáng ông thật não nề; tuy nhiên cung cách của ông hiện thời cũng đã cho thấy niềm tin của ông bắt đầu hoạt động trong tâm trí của ông rồi. Sau đó ít lâu, ông cho tôi biết rằng công thức đơn giản vắn gọn đó đã có công hiệu lạ lùng, và ông nói thêm rằng: “Thật không ngờ chỉ có mấy chữ trong Sách Thánh mà đã tạo được nhiều kết quả tốt đẹp”.
Trong số các căn nguyên tạo nên mặc cảm tự ti phải kể đến một số bắt nguồn từ thuở nhỏ. Tôi có thể dùng cuộc đời cá nhân riêng của tôi để chứng minh cách thức nhiều bạn trẻ hấp thụ mặc cảm tự ti.
Khi còn nhỏ, tôi có thân hình nhỏ bé một cách thảm thương. Tuy tôi có nhiều nghị lực, chơi thể thao, sức khoẻ dồi dào, và thân hình cứng cáp nhưng vẫn mảnh khảng. Tôi chỉ muốn sao cho được to lớn mập mạp. Tôi ăn thật nhiều cà-rem, bánh xúc-cù-là, bánh ngọt đủ thứ nhưng vẫn không thay đổi gì. Tôi vẫn nhỏ bé mảnh khảnh.
Nhiều đêm, tôi nằm trằn trọc không ngủ được, vì cứ nghĩ ngợi buồn rầu về chuyện đó. Tôi vẫn cố gắng làm sao cho thân hình mập mạp vạm vỡ cho tới khi lên 30 tuổi, quần áo của tôi bỗng dưng nứt đường chỉ may. Khi đó, tôi mới nhận thức được rằng mình béo mập quá rồi, nên quyết định phải giảm bớt 15 cân để giữ đúng cán cân quân bình. Lần này tôi cũng lo âu không kém.
Chuyện thứ hai là mỗi người trong gia đình tôi đều có tài hùng biện trước công chúng, còn tôi chẳng bao giờ muốn như vậy cả. Họ có thói cứ bắt buộc tôi pải nói trước đám đông cho dù biết tôi líu lưỡi cứng cổ họng luôn. Tôi p hải dùng đủ mọi cách để tạo nên một chút tin tưởng vào khả năng Chúa đã ban cho tôi.
Tôi đã tìm ra được giải pháp thoả đáng trong những kỹ thuật đơn giản mà từ lâu Sách Thánh đã dạy chúng ta. Những nguyên tắc đó rất khoa học và có thể chữa được mọi mặc cảm tự ti. Xin cứ dùng những kỹ thuật và nguyên tắc đó đi, bạn sẽ giải quyết được hết mọi mặc cảm bất lực.
Đây là một vài nguồn gốc tại sao chúng ta có mặc cảm tự ti, mặc cảm đã tạo nên những bức tường ngăn cản không cho con người chúng ta phát triển. Có thể là do một va chạm tình cảm nào đó từ thuở nhỏ, có thể là do hậu quả của nghịch cảnh và trường hợp éo le, cũng có thể là do việc gì chính chúng ta làm. Tình trạng bệnh hoạn này xuất hiện từ một quá khứ mờ ảo trong tiềm thức của chúng ta.
Chẳng hạn như bạn có người anh, người chị hoặc người em học thật giỏi lúc nào cũng đứng đầu lớp, còn bạn chỉ đủ điểm trung bình thôi. Thế là bạn tưởng rằng mình sẽ khong bao giờ có thể thành công như người anh người chị người em trên đường đời này được. Về học vấn sách vở, người anh chị em đó đứng đầu, còn bạn chỉ được trung bình, nên bạn lý luận rằng trên đường đời bạn cũng sẽ chỉ có thể được trung bình thôi.
Hình như bạn quên rằng nhiều người thất bại trên đường học vấn, nhưng lại trở nên những người rất thành công trên đường đời. Một người luôn đứng đầu lớp không nhất thiết luôn luôn đứng đầu tất cả các bộ môn, và như vậy đứng đầu để lãnh mảnh bằng cũng chưa có nghĩa là đứng đầu trong khi xin việc và trong sở làm.
Bí quyết quan trọng nhất để khử trừ mặc cảm tự ti (hoặc nói cách khác là tự nghi ngờ khả năng của mình quá đáng) là làm sao để tâm trí bạn tràn đầy niềm tin: tin tưởng mãnh liệt và sâu xa nơi Chúa để rồi tin tưởng thực tế nơi chính mình.
Muốn có niềm tin thực tế và hoạt động, bạn phải biết cầu nguyện, đọc Sách Thánh và thực hành những nguyên lý đức tin. Xin bạn hãy đi gặp một giáo sĩ hoặc cố vấn tâm lý, người khải đạo, để học hỏi tìm hiểu sao cho được niềm tin. Phải học hỏi và thực tập mới có được niềm tin thực tế và hoạt động.
Muốn có được những tâm tưởng tự tin, bạn phải tập trau dồi những ý nghĩ, luyện những lời nói đầy tin tưởng vào trong đầu óc của bạn. Ngay cả trong khi làm việc, bạn cũng có thể dồn những tư tưởng tự tin vào trong ý thức của bạn. Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện một người đã thực hành như vậy. Lần kia có người lái xe đưa tôi đi tới một nơi thuyết trình. Ông nói:
“Trước kia, tôi cũng đầy tư tưởng do dự và ý nghĩ lo lắng. Nhưng rồi bất ngờ tôi tìm được một kế hoạch đánh tan mọi ý nghĩ tư tưởng đó ra khỏi đầu óc tâm trí, và bây giờ tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin”.
Đây là kế hoạch kỳ diệu đó. Ông chỉ cho tôi nhìn thấy chỗ có cắm 2 tấm danh thiệp găm vào thành xe, rồi sau đó mở ngăn kéo ra đưa cho tôi một xấp tấm danh thiệp. Ông rút ra một tấm và găm vào thành xe. Tấm danh thiệp đó có câu: “Nếu bạn có lòng tin, không có việc gì mà bạn không làm được” (Mt 17: 20). Ông cất tấm danh thiệp đó đi và rút ra một tấm danh thiệp khác, găm vào thành xe. Tấm danh thiệp này có câu: “Nếu Chúa ở về phía bên ta, nào ai có thể chống lại nổi ta” (Rm 8: 31).
Ông giải thích: “Tôi là một người đi buôn bán dạo. Tôi có thói quen lái xe chạy lòng vòng, lúc nào cũng có tư tưởng sợ sệt và ý nghĩ thất bại. Chính vì vậy mà tôi chẳng bán được bao nhiêu. Nhưng từ khi tôi dùng những tấm danh thiệp này và tập đọc thuộc lòng các câu Sách Thánh đó, tôi hết lo lắng sợ hãi.
Thay vì nghĩ tới những thất bại, bất lực, bây giờ tôi chỉ nghĩ tới những thành công, can đảm và tự tin. Kế hoạch kỳ diệu đó đã thay đổi con người tôi một cách thật lạ lùng. Nhờ đó mà việc buôn bán của tôi cũng thành công kết quả hơn nữa".
Kế hoạch của ông bạn này thật là khôn ngoan! Nhờ tâm trí tràn đầy niềm tin tưởng vào Chúa mà ông đã hết do dự lo lắng. Tiềm năng nghị lực của ông được tự do hoạt động.
Một trong các vấn đề làm cho người thời nay mất quân bình đó là vì thiếu tự tin. Người ta có làm một bản điều tra 600 sinh viên tâm lý của một trường đại học: người ta hỏi các sinh viên cho biết vấn đề nào là vấn đề cá nhân khó khăn nhất, 75% nói rằng đó là vấn đề thiếu tự tin. Chúng ta cũng có thể suy diễn được rằng đa số dân chúng cũng vậy thôi.
Đâu đâu bạn cũng gặp thấy những người co ro nhút nhát, không dám ra mặt với đời, lúc nào cũng tưởng mình thiếu khả năng, không đủ tự tin, nghi ngờ chính khả năng của mình. Trong thâm tâm, họ không tin được rằng họ có khả năng thực thi dự tính, chu toàn trách nhiệm và nhận định thời cơ. Lúc nào họ cũng nơm nớp sợ hãi một cách mơ hồ vớ vẩn rằng thế nào cũng có điều gì bất trắc xảy ra.
Họ không dám tin rằng họ có đủ khả năng làm được việc họ dự tính, do đó họ tìm cách để bằng lòng với việc gì đó thua kém một chút. Hằng ngàn hằng vạn người đã bò lê bò lết qua cuộc đời với thất bại và sợ sệt. Đa số đã để uổng phí nghị lực và tiềm năng một cách vô ích.
Những phũ phàng của cuộc đời, những trở ngại khó khăn chồng chất, những vấn đề dồn dập: tất cả có khuynh hướng làm bạn mất hết nghị lực và bị chán nản ngã lòng. Trong tình trạng như thế, khó mà biết được thật sự bạn có bao nhiêu nghị lực, để rồi bạn dễ nhượng bộ cho chán nản một cách thật vô lý chẳng đúng các dữ kiện chút nào. Chính vì thế điều cần thiết là bạn pahỉ biết nhận định giá trị con người của bạn.
Bác sĩ Karl Menninger, một bác sĩ tâm lý thời danh đã nói: “Tâm tình thái độ thường quan trọng hơn sự việc dữ kiện”. Bạn nên lặp đi lặp lại câu nói trên cho đến khi nào thấm nhuần được chân lý này. Dù chúng ta có phải đối phó với sự kiện hoàn cảnh thất vọng đi chăng nữa, điều đó cũng không quan trọng bằng tâm tình thái độ chúng ta có đối với sự kiện hoàn cảnh đó. Có khi bạn đã để cho hoàn cảnh sự kiện lấn át tâm trí của bạn trước khi bạn bắt đầu đối phó. Ngoài ra có khi mẫu mực tâm tình an hoà có thể ảnh hưởng thay đổi hoàn cảnh sự kiện trên thực tế.
Vì thế khi nào bạn cảm thấy thất bại, mất hết tin tưởng, không còn đủ khả năng để chiến thắng nữa, xin bạn hãy ngồi xuống, lấy một miếng giấy liệt kê ra những yếu tố thuận lợi cho bạn, chứ đừng liệt kê những yếu tố nghịch lại bạn. Nếu như chúng ta luôn nghĩ đến những sức lực chống đối chúng ta, vô tình chúng ta đã thêm sức mạnh cho chúng rồi vậy.
Còn nếu bạn dùng tâm trí để hình dung được những giá trị của bạn, để bạn bảo vệ và củng cố các giá trị đó, chắc chắn bạn sẽ thoát ra khỏi mọi khó khăn. Những sức mạnh nội tâm của bạn sẽ được kiên vững hơn để rồi nhờ Thượng đế giúp đỡ, bạn sẽ chiến thắng.
Một phương thức thần diệu để chữa bệnh thiếu tin tưởng: đó là tư tưởng giúp bạn tin rằng Thượng đế ở cùng bạn và đang giúp bạn. Đây là một giáo huấn đơn giản nhất: Thượng đế toàn năng sẽ hướng dẫn bạn trong mọi sự. Không có tư tưởng nào mạnh hơn nữa để giúp bạn tự tin là thực hành câu nói đơn giản này:
“Chúa (Thượng đế) ở với tôi. Chúa giúp đỡ tôi. Chúa hướng dẫn tôi”.
Mỗi ngày bạn nên dành ra ít phút để hình dung Thượng đế đang hiện diện, rồi thực hành câu nói tin tưởng trên. Sau đó làm mọi việc với niềm tin mà bạn vừa phát biểu và tin là có thật. Hãy thực tập củng cố niềm tin. Hãy hình dung ra niềm tin đó. Hãy tin thật như vậy rồi mọi sự sẽ xảy ra đúng như thế trong thực tế. Bạn sẽ ngạc nhiên thích thú khi thấy phương pháp này tăng thêm rất nhiều nghị lực cho bạn.
Hết chương 1 xem tiếp Chương 2: Tâm trí bình an sẽ tạo nên nghị lực
Mục lục
Mục lục
Chương 1: Tin tưởng nơi chính mình
Chương 2: Tâm trí bình an sẽ tạo nên nghị lực
Chương 3: Làm sao để có nghị lực bền bỉ
Chương 4: Sức mạnh của cầu nguyện
Chương 6: Ước vọng những gì tốt nhất
Chương 7: Tôi không tin vào thất bại
Chương 8 : Làm sao để tránh thói quen lo lắng
Chương 11: Làm sao để người ta thích bạn
Chương 12: Liều thuốc chữa bệnh đau tim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét